Hỏi: Chị B. thỏa thuận bán cho tôi chiếc xe ô tô với giá 900 triệu đồng, trước Tết Nguyên đán tôi đã đặt cọc 100 triệu đồng. Sắp hết thời hạn thỏa thuận khi đặt cọc, tôi liên hệ để làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng chiếc xe thì được thông tin bên bán xe không bán nữa vì chiếc xe là tài sản chung vợ chồng mà người chồng không đồng ý bán. Xin hỏi trong việc này thì pháp luật can thiệp xử lý thế nào?
Phan Tâm (TP. Cam Ranh)
Trả lời: Chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng nên muốn chuyển sở hữu sang người khác phải có sự đồng thuận của cả vợ và chồng. Nếu người vợ tự ý quyết định việc bán xe mà không có sự đồng ý của người chồng thì giao dịch này vi phạm vào điều cấm của luật, sẽ bị vô hiệu.
Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Bạn đã có giao dịch đặt cọc với chị B., mục đích để tiến tới giao kết hợp đồng mua bán xe, tuy nhiên do người chồng không đồng ý bán xe nên mục đích của việc đặt cọc sẽ không thực hiện được. Với thỏa thuận đặt cọc, Bộ luật Dân sự quy định: Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Với thỏa thuận đặt cọc trong trường hợp của bạn cần phải xem xét đến yếu tố lỗi của các bên. Bởi vậy, nếu các bên không tự thỏa thuận về nghĩa vụ của nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG
Nguồn:Báo Khánh hòa